Liệu pháp kích hoạt hành vi với chánh niệm có thể giúp giảm trầm cảm trong chăm sóc sức khỏe ban đầu

Liệu pháp kích hoạt hành vi với chánh niệm 

có thể giúp giảm trầm cảm trong chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Behavioral Activation with Mindfulness (BAM) May Reduce Depression in Primary Care

 

Lê Hoàng Nhân (Lượt dịch)

 

Thiền chánh niệm cùng với việc kích hoạt hành vi làm giảm các triệu chứng trầm cảm ở những bệnh nhân trầm cảm dưới ngưỡng(subthreshold depression).

Bệnh nhân trầm cảm dưới ngưỡng có triệu chứng lâm sàng đáng kể của trầm cảm nhưng không đáp ứng/ thỏa mãn được tất cả các tiêu chuẩn chẩn đoán trầm cảm chủ yếu. Tình trạng này rất phổ biến ở chăm sóc ban đầu; tỷ lệ ước tính mắc trầm cảm dưới ngưỡng ước tính là 10% đến 24% .

Liệu pháp Kích hoạt hành vi là một liệu pháp ngắn, đơn giản, có cấu trúc dành cho bệnh trầm cảm, nhằm mục đích giúp bệnh nhân tăng các trải nghiệm tích cực bằng cách khuyến khích bệnh nhân đặt ra những mục tiêu trong cuộc sống, tham gia vào các tương tác xã hội và các hoạt động vui thú.

Thiền chánh niệm nhấn mạnh sự chấp nhận và nhận biết về cảm xúc, suy nghĩ và cảm giác cơ thể trong khoảnh khắc/ giây phút hiện tại.

Nghiên cứu bao gồm 231 bệnh nhân (trong độ tuổi trưởng thành) từ 16 phòng khám đa khoa ngoại trú, những người bị trầm cảm dưới ngưỡng, được xác định trên cơ sở việc bệnh nhân có số điểm từ 5 đến 9 trên thang điểm sàng lọc trầm cảm cộng đồng (PHQ-9). Các bệnh nhân này không có một giai đoạn trầm cảm chủ yếu/ chính trong 6 tháng qua và không dùng thuốc điều trị trầm cảm.

Trong nghiên cứu này đa số là phụ nữ (93,1%), trong đó (61,9%) là nội trợ hoặc đã nghỉ hưu. Các nhà điều tra chia ngẫu nhiên bệnh nhân này thành 2 nhóm: nhóm chủ cứu thực hiện liệu pháp (BAM) (n = 115) và nhóm chứng (chăm sóc thông thường) (n = 116).

Can thiệp BAM bao gồm tám phiên trị liệu, mỗi tuần 1 buổi kéo dài 2 giờ. Bốn phiên đầu tiên bao gồm giáo dục tâm lý liên quan đến hạnh phúc,  đặt mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, tự giám sát hoạt động và tâm trạng/ khí sắc của mình, lên lịch các hoạt động hàng ngày và nhận ra sự né tránh cũng như những tác tác động của nó (các hoạt động và tâm trạng), cho phép bệnh nhận biết rõ hơn về những quyết định của mình.

Từ phiên thứ 5 đến phiên thứ 7 sẽ bao gồm 30 phút  xem xét lại việc thực hiện kích hoạt hành vi và 1 giờ 30 phút thực hành chánh niệm bao gồm việc huấn luyện các kỹ năng chánh niệm cơ bản, rà soát cơ thể (quan sát cảm giác cơ thể trong từng phần của cơ thể) và ngồi thiền, thiền hành.

Bệnh nhân được nhận một đĩa CD với các bản ghi âm hướng dẫn của thiền  tại nhà. Họ được hướng dẫn thực hành tại nhà trong 10 phút mỗi ngày ít nhất 6 ngày một tuần sau phiên trị liệu thứ 5. Các buổi tập tại nhà được tăng lên 20 phút mỗi ngày sau phiên 6, và 45 phút mỗi ngày sau phiên thứ 7.

Còn những  bệnh nhân trong nhóm chứng (nhóm điều trị thông thường) tiếp tục được chăm sóc y tế tại các phòng khám ngoại trú. Họ được phép tiếp cận không giới hạn cách dịch vụ để chăm sóc y tế cho bệnh trầm cảm hoặc lo âu.

Kết quả nghiên cứu cho thấy so với nhóm chứng (nhóm điều trị thông thường), ở nhóm chủ cứu (nhóm can thiệp BAM) làm giảm đáng kể các triệu chứng trầm cảm khi kết thúc trị liệu (chênh lệch điểm trung bình giữa 2 nhóm là -3.57; KTC 95% (-5.38 -1.78); P <.001).

Tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm chủ yếu ở bệnh nhân được điều trị kết hợp liệu pháp kích hoạt hành vi với chánh niệm (BAM) giảm hơn một nữa so với nhóm được chăm sóc bình thường. cho thấy can thiệp có thể được coi là “can thiệp phòng ngừa” ở những bệnh nhân trầm cảm dưới ngưỡng không có một đợt trầm cảm nặng trong 6 tháng qua.

 

Hai phương pháp điều trị được kết hợp và có vẻ như hai thành phần này bổ sung cho nhau. Họ cảm thấy rằng khi họ gặp phải cảm giác thất bại khi làm bài tập ở nhà như là một phần của hoạt động kích hoạt hành vi, sau này họ có thể sử dụng các kỹ năng chánh niệm để đưa họ trở lại thời điểm/ khoảnh khắc hiện tại và họ càng củng cố hơn thái độ chấp nhận hướng về bản thân mình.

Khoảng 80% bệnh nhân nghĩ rằng các buổi thực hành và bài tập về nhà đã giúp giảm triệu chứng trầm cảm của họ. Hầu hết bệnh nhân cho biết họ sẽ tiếp tục thực hành các kỹ năng đã học trong tương lai (74,5%) và sẽ giới thiệu liệu pháp này cho người khác (85,9%).

 

       Lượt dịch từ nguồn:

             S. Y. S. Wong và c.s., “Treating Subthreshold Depression in Primary Care: A Randomized Controlled Trial of Behavioral Activation With Mindfulness.”, Annals of family medicine, vol 16, số p.h 2, tr 111–119, 2018.

Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Quý vị copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn bvttdongthap.vn. Xin cảm ơn!
Copyright © 2023 - 2024 | bvttdongthap.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status